Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn gram âm Escherichia Coli, đặc biệt là các chủng O1, O2, O76,… có các yếu tố bám dính và sinh độc tố gây ra. Thường là nhiễm khuẩn kế phát khi gia cầm bị stress hay nhiễm một số bệnh khác làm cho miễn dịch suy yếu, điển hình là hen và cầu trùng. Kế phát E.coli thường làm bệnh trở nên trầm trọng và gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi.
Phương thức lây truyền
Nếu là bệnh nguyên phát thì xảy ra ở gà, vịt, ngan, ngỗng từ mới nở đến 3 tuần tuổi nhưng chủ yếu là từ 2 - 10 ngày đầu sau nở. Nhưng nếu bệnh thứ phát thì xảy ra bất cứ lúc nào trong vòng đời gia cầm, thủy cầm. Bệnh có thể lây nhiễm theo chiều ngang qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc với thức ăn, nước uống, phân hay dụng cụ chăn nuôi mang mầm bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm theo chiều dọc, khi gia cầm mái đẻ nhiễm vi khuẩn E.coli trong ống dẫn trứng lây truyền qua trứng vào phôi và có sẵn trong cơ thể gà con khi nở ra.
Triệu chứng
Bệnh có dấu hiệu không đặc hiệu. Chỉ có những biểu hiện không rõ ràng như sốt lúc đầu, sau giảm dần. Gia cầm bị bệnh thường xù lông, xệ cánh, ít vận động, mào thâm xám, ăn kém hoặc bỏ ăn. Khi bị nặng, gia cầm sinh tiêu chảy, phân loãng, vàng, xanh lẫn nhiều bọt khí, khó thở, nhịp thở tăng, chết nhanh, chết nhiều ở gà, ngan, ngỗng giai đoạn 2 - 15 ngày tuổi, sau 5 - 7 ngày phát bệnh.
Gà đẻ bị bệnh thường giảm ăn, giảm đẻ, gầy ốm và thường kèm theo chứng sưng khớp.
Trị bệnh E.coli ở gia cầm có thể dùng kháng sinh dưới dạng tiêm hoặc uống
Bệnh tích
Khi mổ thấy gia cầm bị bệnh có triệu chứng viêm màng bao tim, viêm màng bụng, viêm màng quanh gan làm cho bao tim đục, màng bụng có dịch viêm, quanh gan thường phủ một lớp màu trắng đục, nếu bị nặng thì cả 2 lá gan đều sưng đỏ và xuất huyết lấm tấm. Ngoài ra, gia cầm còn có biểu hiện viêm đường ruột, viêm túi khí. Ở gà, vịt, chim cút mái đẻ, ống trứng có biểu hiện mềm, giãn, thành mỏng và có thể chứa dịch viêm trong lòng ống trứng; có bệnh tích cục bộ ở vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng; viêm, hoại tử một phần hoặc toàn bộ buồng trứng, noãn hoàng có thể bị teo hoặc vỡ nát. Gà con bị bệnh thường có bệnh tích viêm rốn.
Phòng bệnh
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất luôn giữ cho chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên phun thuốc sát trùng diệt mầm bệnh. Cung cấp đủ lượng thức ăn đảm bảo cho gia cầm nuôi theo từng giai đoạn phát triển.
Định kỳ 1 lần/tuần sát trùng, vệ sinh trứng ấp, máy ấp, khu chăn nuôi bằng 1 số thuốc sát trùng có tính an toàn cao không gây độc cho gia cầm như Virkon, liều lượng 10 g/4 lít nước, thuốc Longlife liều lượng 4 ppm, Farm Fluids 2,5 ppm. Hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống, tránh để thừa thức ăn, ôi thiu tạo môi trường nhiễm bẩn.
Giữ chuồng trại luôn được khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và tránh mưa làm ẩm ướt chuồng, trại nuôi. Định kỳ bổ sung vitamin, thuốc bổ như Bcomlex, Betaglucan, chất điện giải vào nước uống cho gia cầm để tăng cường sức đề kháng tự nhiên, đặc biệt trong những giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi hoặc gia cầm bị stress do vận chuyển hoặc sau khi tiêm vaccine.
Bệnh E.coli có nhiều chủng gây bệnh trên gia cầm nên việc tiêm phòng vaccine thường kém hiệu quả.
Trị bệnh
Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh như Colistin, Kanamycin, Gentamycin, Norfloxacine… theo dạng tiêm hoặc pha vào nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị kết hợp sử dụng một số thuốc tăng cường sức khỏe như Bcomlex. Sau quá trình điều trị bệnh bằng kháng sinh có thể sử dụng một số chế phẩm vi sinh để cải thiện đường ruột cũng như khả năng tiêu hóa của gia cầm.
>> Vi khuẩn E.coli, thường có sẵn ở ruột gia cầm khỏe mạnh, trong môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, khi thời tiết thay đổi, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng không tốt… sẽ tạo điều kiện cho E.coli phát triển và gây bệnh.
(Tổng hợp)