Vai trò của Bo đối với cây trồng:Tuy nhu cầu Bo trên cây trồng là thấp hơn so với tất cả các vi lượng thiết yếu khác, ngoại trừ molypden, nhưng vai trò của Bo là không thể thiếu trên các loại cây trồng. Hiện tượng thiếu Bo là rất phổ biến trên thế giới. Rất nhiều loại cây ăn quả, cây rau, và các hoa màu khác có biểu hiện thiếu Bo. Cây cọ dầu đặc biệt mẫn cảm với hiện tượng thiếu Bo. Các loại đậu lấy hạt có yêu cầu cao về Bo.Theo Fageria và Gheyi (1999), các vai trò trọng của Bo trong cây là: Bo cần thiết cho sự nảy mầm của hạt phấn và tăng trưởng của ống phấn, rất cần thiết cho sự hình thành tế bào và hạt giống. Bo cũng hình thành nên các phức chất đường/borat có liên quan tới sự vận chuyển đường và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành protein. Bo đóng một vai trò quan trọng trong vận chuyển chất dinh dưỡng bởi tác dụng tăng khả năng thấm ở màng tế bào. Bo tham gia vào quá trình chuyển hóa N và P, tăng số lượng các cụm hoa trong các loại đậu, tăng tỷ lệ nảy mần của hạt giống. Bo có tầm quan trọng đáng kể trong quá trình tổng hợp axit nucleic.Khi thiếu Bo, tổng hợp cytokinin bị suy giảm, trong các cây không được cung cấp đủ Bo thì NO3- tích lũy trong rễ, lá, thân, cành, điều đó cho thấy tổng hợp NO3- giảm và acid amin bị ức chế (Brown và Hu, 1997).Ngưỡng giới hạn mức Bo tối ưu và mức gây độc của B trong cây trồng rất thấp. Do đó, cần thận trọng trong việc bón phân hóa học để bổ sung B. Trong một số cây trồng, các triệu chứng có thể nhìn thấy điển hình của ngộ độc B bao gồm hiện tượng cháy lá, thường là ở mép và ở đỉnh của các lá (Eraslan và cộng sự, 2007). Triệu chứng thiếu B được thể hiện trên bề mặt lá thường có những đốm nhỏ màu vàng trắng, lá bị biến dạng. Có khi đỉnh sinh trưởng bị chết làm cây mọc thêm nhiều chồi bên. Xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống quả. Thiếu Bo làm hoa kém phát triển, sức sống hạt phấn kém, quả non dễ bị rụng. Rễ cây kém phát triển.
Bo trong cây trồng:
Hàm lượng Bo rất khác biệt giữa các loại cây. Hàm lượng Bo trong các cây một lá mầm thường thấp hơn các cây hai lá mầm. Trong cây, hàm lượng Bo trong lá thường cao hơn thân. Bo trong cây giảm dần theo thời gian sinh trưởng (Fageria và cộng sự, 2006). Nồng độ B trong lúa thay đổi theo của tuổi cây khoảng 9 mg/kg ở 19 ngày sau khi gieo và giảm xuống còn 8 mg/kg ở 130 ngày sau khi gieo. Cây thiếu B khi nồng độ trong lá trưởng thành < 15 mg/kg. Mức độ phù hợp của Bo trong cây trồng trong khoảng 20-100 mg/kg trọng lượng khô (Fageria, 1992).
Tác động của Bo đối với cây trồng:
Ngộ độc Bo trên cây trồng có thể xuất hiện ở những vùng đất khô hạn và vùng đất mặn. Bón nhiều tro cũng là nguyên nhân gây ngộ độc cây ở nhiều vùng. Khi bón B với lượng cao dẫn đến giảm sự hấp thu của Zn, Fe, Mn nhưng tăng sự hấp thu của Cu (Fageria và cộng sự, 2002). Lượng Ca và Mg cao có thể làm giảm sự hấp thu Bo. Ảnh hưởng của lân và lưu huỳnh trên sự hấp thu Bo là không rõ ràng. Thiếu kẽm tăng cường tích lũy B (Graham và cộng sự, 1987), Zn có tác dụng giảm tích lũy và độc tính của B trên cây trồng (Moraghan và Mascagni, 1991; Swietlik, 1995). Thiếu Bo làm giảm khả năng hút lân của các cây họ đậu (Robertson và Loughman, 1974) và giảm sự hấp thu của Mn và Zn trên cây bông (Ohki, 1975). Bo trở thành độc hại đối với ngô khi trồng trong điều kiện thiếu lân, và việc bón lân có tác dụng làm giảm bớt độc tính Bo (Gunes và Alpaslan, 2000). Kiềm hóa bằng cách bón vôi là biện pháp khắc phục tình trạng ngộ độc Bo với cây trồng. Bón thêm silic cũng có tác dụng ngăn cản sự hấp thu Bo của cây từ đó làm giảm tình trạng ngộ độc cho cây trồng.
Sử dụng phân Bo:
Khắc phục hiện tượng thiếu hụt Bo bằng cách bón phân Bo vào đất hoặc phun qua lá.Tuy nhiên, bón lót bằng cách rải đều hay bón thúc B vào đất có hiệu quả hơn so với phun trên lá ở cây hàng năm. Phun phân Bo qua lá rất hiệu quả với cây ăn quả, phun Bo thực hiện vào các thời điểm: chồi đang ngủ, bắt đầu nảy chồi mới và khi lá đã phát triển đầy đủ (Chu Thị Thơm, 2006).
Theo Martens và Westermann (1991), các cây họ đậu và cây lấy củ cần 2-4 kg B/ha, trong khi các cây trồng khác cần lượng B tối đa thấp hơn. Theo Fageria (2000), Lượng B cân đối là 2 kg/ha cho cây đậu, khoảng 4,7 kg/ha đối với ngô và 3,4 kg/ha cho đậu tương. Lượng B gây ngộ độc ở lúa là 4,4 kg B/ha, cây đậu là 8,7 kg B/ha, đối với ngô là 6,8 kg B/ha, và 7,4 kg B/ha cho lúa mì.
Sử dụng phân SITTO-V siêu Calci-Bo bón bổ sung để ngăn ngừa tình trạng thiếu Bo trên cây trồng nhất là ở các vùng đất có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.
- Với một số loại cây rất mẫn cảm với Bo (dễ bị ngộ độc ở liều cao) như cây họ bầu bí (dưa hấu, cà chua, dưa leo, bầu, bí…), cây có múi, nho, dâu tây…thì bón Bo liều thấp, khoảng 12 – 25 kg SITTO-V siêu Calci-Bo/ha/vụ.
- Với các loại cây lấy củ và đường bột (khoai các loại, cà rốt, củ cải, mía, lúa, bắp…) bón với lượng 25 – 50 kg SITTO-V siêu Calci-Bo/ha/vụ.
- Với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái nên bón khoảng 50 – 60 kg SITTO-V siêu Calci-Bo/ha/vụ.
Trong trường hợp cần khắc phục tình trạng thiếu B nhanh thì phun lên lá sản phẩm Calcium-Boron 2 – 3 lần. Mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.
Lưu ý tùy theo loại đất, loại cây trồng và tình hình sinh trưởng của cây mà bà con bón ít hay nhiều hơn lượng phân Bo đã khuyến cáo.
Sự ngộ độc Bo phổ biến ở xoài với các triệu chứng đặc trưng hiện diện ở lá như các đốm sẫm màu trên rìa lá mà kết hợp thành khối, cuối cùng dẫn đến tình trạng hoại tử rìa lá ở nhiều trường hợp. Ngộ độc Bo thường xẩy ra sau việc áp dụng các loại phân Bo quá mức, các triệu chứng có thể được giải quyết thông qua việc lọc rửa vùng rễ, nâng cao pH đất với việc áp dụng vôi hoặc kích thích sự tăng trưởng thông qua việc áp dụng N; Tuy nhiên, những biện pháp này có thể có các liên quan khác đối với việc sản xuất cây trồng.
(theo: ThS. Phan Thúc Định-Công ty TNHH Sitto Việt Nam)
LIKE and Share nếu bài viết hữu ích:
:
>>>>CẢM ƠN BÀ CON VÀ CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC HẾT BÀI VIẾT,CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG GIAO LƯU VÀ CHIA SẺ CÙNG BÀ CON VÀ CÁC BẠN!!!!