TTNL-Ông từng là sĩ quan quân đội và hoạt động tình báo trong lòng địch nhiều năm trời nhưng khi trở về quê hương, ông Dương Thanh Nghị (78 tuổi, trú tại xóm Na Hồng, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) sử dụng bài thuốc gia truyền mà cha ông để lại mưu sinh và cứu giúp người nghèo.
|
ông Dương Thanh Nghị bên cây thuốc chữa bệnh |
Vốn theo bố vợ mình đi hái lá thuốc từ bé và cũng thường xuyên tìm đọc các tài liệu liên quan đến y học từ người bạn học là ông Đặng Ngữ (con trai Giáo sư Đặng Thai Mai) nên ông Nghị biết cách sơ cứu và chữa trị cho các vết thương, nhất là khi người bị thương bị gãy chân, gãy tay.
Trong câu chuyện với chúng tôi khi kể về quá khứ, thi thoảng ông lại thở dài nhớ lại quãng thời gian khốc liệt mà mình cùng biết bao đồng đội đã phải trải qua. Chính trong thời khắc nhiều cam go ấy, ông đã cứu chữa cho không ít anh em, đồng chí trong đó có cả những người ở bên kia chiến tuyến.
Năm 1972, sau khi hoàn thành một nhiệm vụ bí mật, ông Nghị không may bị thương và được điều chuyển ra miền Bắc chữa trị. Trở về quê hương, ông tiếp tục làm nghề dạy học. Đây cũng là khoảng thời gian ông dành cho việc nghiên cứu tài liệu y học và tích cực tìm hiểu thêm phương thức bí truyền của ông cha để lại.
Ông Nghị bảo phương thuốc mà ông đang sở hữu là do một cán bộ tiền khởi nghĩa truyền lại cho bố vợ ông. Ông là đời thứ 3 có trách nhiệm cao cả lưu giữ bài thuốc quý này.
Bài thuốc gồm “ba thứ cây gia đình”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bài thuốc nam được tạo từ ba loại cây có sẵn trong tự nhiên của núi rừng Tam Đảo. Theo cách gọi của ông Nghị, cây đầu tiên là cây phu quân (người chồng), thứ hai là cây phu thê (người vợ) và cuối cùng là cây ái tử (người con).
Ông Nghị bảo, mỗi loại cây có một công dụng khác nhau với vết thương. Riêng cây phu quân có tác dụng làm xương liền lại, cây phu thê sẽ thực hiện công đoạn hồi phục các gân, cơ bị tổn thương còn ái tử sẽ là cây giúp lưu thông lại các mạch máu.
Tuy nhiên, cách thực hiện của ông Nghị khiến không ít người tò mò và thắc mắc, đó là gãy chân trái đắp thuốc chân phải, gãy tay phải, đắp thuốc bên tay trái. Vị lương y cho hay: “Đó không phải là mẹo chữa bệnh mà cách thức riêng của ông cha truyền lại. Khi tôi đắp thuốc ở bên không bị thương, nhựa và các chất của cây sẽ thấm qua các lỗ chân lông (tĩnh mạch) và truyền sang bên phía bị thương giúp vết thương mau lành hơn”.
Để bài thuốc đạt hiệu quả cao nhất, ông Nghị cho hay việc cố định xương trước khi đắp thuốc rất quan trọng. Tất cả các bệnh nhân đến với ông đều được chính tay ông xem và cố định chỗ bị gãy. Trên cơ sở này, ông sẽ tính xem với từng trường hợp thì đắp thuốc bao nhiêu thời gian thì có thể khỏi.
Thông thường, người bệnh sẽ đắp thuốc của ông khoảng 12 tiếng/ ngày, thời gian từ chập tối đến sáng hôm sau khi ngủ dậy. Trường hợp nặng chỉ cần đắp thuốc đến 20 ngày là có thể khỏi, còn hầu hết với các trường hợp nhẹ, chỉ vài ba ngày là vết thương lành lại.
Trong công nghệ bào chế thuốc, ông Nghị tiết lộ: “Nếu hôm nào dự định đi hái thuốc thì tuyệt nhiên tối hôm đó không được ngủ với vợ. Tất cả ba loại thuốc đều phải được hái vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi không còn ánh nắng mặt trời. Thuốc khi được hái về, cho chung vào cối giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương”.
Giở cả một tập các quyển sổ ghi lại các trường hợp đến khám chữa bệnh của mình, ông Nghị bảo trung bình một tháng ông có tới 50 người đến nhờ đắp thuốc, có tháng còn đông hơn thế nhiều nhưng hầu hết trong số họ đều là những người nông dân nghèo.
|
Cuốn sổ ghi lại những người bệnh đến khám, chữa xương |
“Tai nạn họ gặp phải phần nhiều rơi vào những lúc bà con đi lao động như ngã trâu, chệch khớp chân hay tai nạn lúc đi lại. Khi khỏi bệnh, bà con cám ơn tôi bằng những thứ họ làm ra như khoai lang, con gà, gạo nếp. Có trường hợp tôi không lấy tiền vì biết gia cảnh người ta khó khăn quá”, ông Nghị tâm sự.
Mong muốn lớn nhất của ông là người bệnh có thể đi lại được bình thường nên tất cả các trường hợp đến đây, ông Nghị đều khuyên họ nên đến các cơ sở y tế để được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của y học hiện đại. Bản thân ông khi nhận bó xương cho ai cũng rất cần xem phim chụp X quang để chỉnh hình cho thật chuẩn xác.
Ông Nghị cho biết bằng phương pháp cổ truyền, mấy chục năm qua, ông chưa bó tay trước bất cứ ca bệnh nan y nào. Uu điểm bài thuốc gồm “ba lá thuốc gia đình” bó xương của ông là thời gian hồi phục của bệnh nhân rất nhanh. Nếu gãy chân chỉ hơn một tháng là người bệnh có thể đi lại, trong khi đó nếu bó bột ở bệnh viện ít nhất cũng phải mất hai tháng.
Phương thuốc để lại cho hậu thế
Để tìm hiểu về phương thức chữa bệnh của ông Nghị hiệu quả như thế nào, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Mùi (78 tuổi, trú tại xóm Na Tre, xã Mỹ Yên). Bị gãy chân trong một lần đi rừng, bà Mùi khi ấy rất lo lắng vì nhà khó khăn không đủ tiền để nằm viện, bà liền nhờ người nhà tìm đến nhờ ông Nghị đắp thuốc.
Sau khi khỏi bệnh, biết bà Mùi khó khăn nên ông Nghị không chỉ tận tình mà còn biếu bà Mùi một ít tiền để bà tẩm bổ cho mau lành bệnh. Ông Nguyễn Hồng Điều (Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên) cho hay: “Ai ở địa phương đều biết ông Nghị đã từng đi bộ đội rồi về nhà làm nghề dạy học rồi bốc thuốc chữa bệnh. Cách chữa xương của ông có lẽ có phương pháp riêng nhưng nhiều người khỏi bệnh và chưa hề có vấn đề gì xảy ra cả nên địa phương đều tạo điều kiện”.
Đối với trạm y tế xã Mỹ Yên, ông Vũ Hồng Lam (Trạm trưởng trạm y tế) cung cấp cho chúng tôi: “Chúng tôi có biết việc ông Nghị chữa xương bằng bài thuốc riêng. Ở quanh vùng, có nhiều thày lang nhưng người thì chỉ chuyên tìm cây thuốc, người chữa gan nhưng chữa xương thì đúng là hầu hết các trường hợp là tìm đến ông lang Nghị. Ông ấy cũng đã chữa được cho rất nhiều bà con và cho đến nay, chưa có bệnh nhân nào của ông Nghị ở xã Mỹ Yên phải ra chúng tôi xem xét lại”.
Về cách chữa của ông Nghị khi dùng thuốc gia truyền đắp chân này chữa cho chân kia, ông Lam cho rằng: “Thực ra, các trường hợp xương gãy nếu không chữa trị sau một thời gian có thể tự liền được nhưng sẽ gây ra tật và khiến người bệnh đi lại, cử động khó khăn nên cách tốt nhất là phải chữa trị sớm. So với bó bột của tây y, cách chữa của ông Nghị giúp vết thương mau lành hơn”.
Trước khi ra về, chúng tôi hỏi ông Nghị về việc truyền lại cho thế hệ sau bài thuốc quý. Ông Nghị cười: “Cách đây hai năm, anh Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Thái Nguyên đã tìm đến nhà tôi hỏi tôi về ba lá thuốc đó.
Tôi bảo anh ấy sẽ phải mất công đi tìm đấy vì nó chỉ có ở vùng núi Tam Đảo mà thôi. Phải mất gần 3 năm, có hôm anh ấy điện cho tôi bảo đã tìm ra. Đó cũng là cách mà tôi nghĩ phương thuốc của mình sẽ lưu lại sau này. Còn trước mắt, tôi nghĩ sẽ truyền lại nghề của mình cho cậu con trai út để tiếp tục cứu chữa cho mọi người”.
(tổng hợp)
LIKE and Share nếu bài viết hữu ích:
:
>>>>CẢM ƠN BÀ CON VÀ CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC HẾT BÀI VIẾT,CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG GIAO LƯU VÀ CHIA SẺ CÙNG BÀ CON VÀ CÁC BẠN!!!!