Hiện tại trên khắp các làng quê ,trên các cánh đồng trồng trọt cây ăn quả và hoa mầu, đi đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những vỏ hay chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi khắp các kênh mương ,cống rãnh...
|
Vỏ bao bì và chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi khắp nơi |
"Trước năm 1985, Việt Nam sử dụng khoảng 6.500-9.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật mỗi năm, nhưng trong 3 năm gần đây, hằng năm, Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn hóa chất thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Có thể thấy Việt Nam là một trong số những nước có lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, đã và đang tác động xấu dến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng trong hiện tại và tương lai.
Kết quả điều tra, thống kê mới đây của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1946 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung mới 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên... "
|
Xử lý vỏ chai lọ thuốc BVTV sao cho đúng |
Quy định về xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
Theo đó, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa. Bể chứa phải đảm bảo yêu cầu: Đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần Điểm pha chế thuốc trước khi đem đi phun rải để thuận tiện cho việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.
Bể chứa phải làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.
Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.
Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Nhưng tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Trong trường hợp cần thiết, có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý.
Khu vực lưu chứa phải đảm bảo bố trí tại địa điểm xa khu dân cư, nguồn nước, chợ, bệnh viện, trường học và đảm bảo các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường. Khu vực lưu chứa phải kín, không bị khuyếch tán mùi ra bên ngoài, có độ cao nền đảm bảo không bị ngập lụt, đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc sự cố rò rỉ.
Vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm: Sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào bể chứa theo quy định. Để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Không sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào các Mục đích khác.
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng có trách nhiệm: Tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý; Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2016.
(Nguồn: sưu tầm và tổng hợp)
Comments[ 0 ]
Post a Comment