Củ tỏi
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu phát hiện ra trong tỏi có selen và các nguyên tố vi lượng chứa kháng khuẩn alliin làm tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, làm giảm huyết áp cao và nhiều bệnh nâng cao sức khỏe.
Tỏi có tác dụng chống tắc nghẽn mạch máu giống aspirine, nó còn có hoạt tính làm hạn chế việc sinh ra phần tử tự do gây tổn thương tổ chức khớp - có tác dụng dưỡng nhan, ích thọ nhờ khả năng làm chậm quá trình lão hóa tế bào tức bảo vệ hồng cầu không bị oxy hóa, làm ảnh hưởng đến các phần tử tự do là những hạt vô cùng nhỏ bé được hình thành trong quá trình oxy hóa. Làm giảm xung huyết và tiêu viêm, tiêu tan mệt mỏi, phục hồi nhanh thể lực, tiêu mỡ...
Hoạt chất trong củ tỏi
Trong tép tỏi tươi, các hợp chất sulfur là quan trọng nhất, có tỷ lệ cao nhất trong các loại rau quả (3,2%) khi tép tỏi còn nguyên: alliin (một hợp chất sulfur) và men allinase có lượng tương đương nhau. Mỗi thứ ở trong một ngăn riêng biệt. Khi giã nát củ tỏi - Một phản ứng cực mạnh, tức thì giữa alliin và allinase sản sinh ra allicin - Allicin là một chất không bền, khi tiếp xúc với không khí sẽ được chuyển hóa thành diallyl disulfide, vinydithiin, afoene, là những chất có tác dụng dược lý đã kể trên -(allicin là chất gây mùi tỏi tươi khi băm thái).
Bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp người ta đã xác định được hàm lượng allicin trong tép tỏi tươi sau khi giã nát một phút đã đạt 63%. Nhưng sau 30 phút tiếp xúc với không khí chỉ còn 39% (vì đã chuyển hóa thành các chất nói trên). Trong môi trường hơi kiềm (pH = 8) phản ứng triệt để nhất. Trong môi trường hơi acid (pH = 5) phản ứng chậm 50 lần.
Tỏi tươi nguyên tép và tỏi đã làm chín không có mùi và không có tác dụng dược lý nêu trên.
Tác dụng của củ tỏi đối với sức khỏe
Tỏi đề phòng tắc nghẽn mạch máu
Trong nghiên cứu, người ta đã thấy nước tỏi có tác dụng phòng tắc nghẽn mạch máu nhờ khả năng phân giải và hòa tan một loại protein dễ gây tắc. Nhiều chứng minh qua nghiên cứu đã thấy thuốc hỗn hợp có tỏi có tác dụng như aspirin. Vì vậy, các chuyên gia y tế đã khuyên người bệnh tăng mỡ máu cần ăn từ 3-4 nhánh tỏi mỗi ngày.
Tỏi làm suy giảm viêm đau khớp
Qua theo dõi những bệnh nhân viêm khớp được điều trị bằng viên nang điều chế từ tỏi đều cho kết quả tốt, nhờ hoạt tính ở tỏi làm hạn chế việc sinh ra các phần tử tự do gây tổn thương đến tổ chức khớp. Một phụ nữ Mỹ tên Jusshan Bert bị bệnh viêm khớp nặng đã được điều trị bằng nang tỏi nay trở lại bình thường (trước kia chưa điều trị khớp gối bị đau liên tục rất khó chịu).
Tác dụng phòng chống ung thư
Tỏi có tác dụng chống lại tiến trình phát triển khối u và ung thư của nhiều loại ung thư khác nhau như: ung thư dạ dày, ung thư cột sống ung thư phổi, ung thư vú và màng trong tử cung, ung thư kết tràng, ung thư thanh quản, v.v. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm (ăn tỏi thường xuyên hàng ngày từ 5 đến 20 gam tỏi tươi tủy bệnh) đồng thời người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiêng kỵ như từ bỏ thuốc lá; bia rượu; thức ăn nướng - quay - chiên rán. Hạn chế ăn chất béo động vật, cùi dừa, dầu cọ, muối, các loại thịt có màu đỏ (bò, dê lợn v.v).
Tác dụng phòng chống các bệnh tim mạch
- Tỏi làm giảm triglycerid và cholesterol trong máu tương tự clofibrat.
- Tỏi làm tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL) và giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL) do đó làm giảm các rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, chống xơ cứng động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại vi.
- Tỏi có thể làm hạ huyết áp tâm thu từ 20 -30mmHg và hạ huyết áp tâm trương từ 10 - 20mmHg.
- Tỏi chống sinh huyết khối tương đương với aspirin nhưng không có tác dụng phụ có hại như aspirin.
Do đó dùng tỏi tươi hoặc chế phẩm tỏi thường xuyên hàng ngày sẽ có tác dụng điều hòa huyết áp, chống bệnh tăng huyết áp; bảo vệ tim mạch chống nhồi máu cơ tim và chống tai biến mạch máu não; đồng thời người bệnh phải thực hiện tốt các điều kiêng kỵ như với bệnh ung thư nói trên.
Tác dụng giảm đường huyết
(không độc hại và chống chỉ định như các thuốc chữa tiểu đường Tây y).
- Tỏi có tác dụng gia tăng sự phóng thích Insulin tự do trong máu, tăng cường chuyển hóa glucose trong gan - giảm lượng đường trong máu và trong nước tiểu (tác dụng tương đương với Tolbutamid, một loại sunfamid chữa tiểu đường type II). Do đó dùng tỏi thường xuyên hàng ngày có thể chữa bệnh tiểu đường type II cho người mắc bệnh từ 3 - 10 năm; đồng thời người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều cấm kỵ với người bệnh tiểu đường (từ bỏ các chất ngọt có chứa đường; thuốc lá; bia rượu; thức ăn chiên rán, quay, nướng; chất béo động vật, cùi dừa, dầu cọ. Hạn chế ăn muối, thịt có màu đỏ, ngũ cốc v.v.).
Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch
Tỏi có tác dụng đáng kể lên hệ miễn dịch; tăng hoạt tính các thực bào lymphô cyte nhất là với thực bào CD4 giúp cơ thể bảo vệ màng tế bào chống tổn thương nhiễm sắc thể ADN; kháng virus; phòng chống nhiễm trùng.
Tác dụng kháng sinh
- Kháng khuẩn: Các chất Azôene, dianllil disulfide, diallil -trisulfide và các hoạt chất chứa lưu huỳnh khác (được tạo ra khi tỏi tươi giã nát) có khả năng ức chế 70 loại vi khuẩn gram (-) và gram (+) kể cả vi khuẩn bệnh hủi, bệnh lao. Thậm chí nó còn kháng được cả những vi khuẩn đã lờn thuốc kháng sinh thường dùng -khi phối hợp với cloramphenicol hoặc streftomicin, tỏi làm tăng hiệu lực kháng sinh của chúng.
- Kháng virus: Tỏi có thể ngăn ngừa được một số bệnh gây ra do virus như cúm, cảm lạnh, kể cả virus gây lở mồm long móng bò, ngựa, trâu (mấy năm gần đây Anh quốc và nhiều nước châu Âu đã khốn khổ vì bệnh này).
- Diệt ký sinh trùng và nguyên sinh động vật: Nước ép tỏi có tác dụng chữa bệnh đường ruột do nguyên sinh lamblia intestinalis gây ra. Với lỵ amid do antamocba histolytica gây ra cũng bị diệt ngay ở dịch ép tỏi nồng độ thấp.
- Tỏi có tác dụng diệt giun sán như giun đũa, giun kim, giun móc và trứng của chúng. Cần chú ý: quá liều có thể bị tiêu chảy và viêm ruột (dung dịch uống và thụt).
- Xua đuổi và diệt côn trùng: Nhiều loại côn trùng như dán, muỗi (aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản) rất sợ mùi tỏi. Tỏi còn giết chết được các ấu trùng muỗi (loăng quăng) với liều lượng rất thấp 25ppm cho các chất chiết hoặc 2ppm cho dầu tỏi. Vì vậy nếu bạn để củ tỏi tươi trong tủ đựng thức ăn thì sẽ không có dán chui vào.
Tác dụng với rối loạn tiêu hoá, rối loạn cơ quan
- Tỏi đặc biệt tốt để phòng tránh các rối loạn men tiêu hóa. Kích thích tiết dịch vị, tiết mật. Phòng tránh các nhiễm khuẩn dạ dày ruột.
- Tỏi có tác dụng trị các chứng rối loạn tiêu hóa do men hoặc do thần kinh gây khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng, bí trung tiện - chống co thắt dạ dày ruột. Có thể giã nát một tép tỏi đắp vào rốn băng kín trong 30 giây đến tối đa 1 phút là khỏi ngay chứng đau bụng trướng, bụng bí trung tiện do thần kinh (phải bỏ ngay bã tỏi đắp ở rốn sau 1 phút để tránh bỏng rộp).
- Tác dụng giải độc kim loại nặng: Tỏi có tác dụng bảo vệ cơ thể chống nhiễm độc các kim loại nặng. Hợp chất sulfur của tỏi là chất giải độc chì mãn tính. Sau khi ăn tỏi hàm lượng chì trong mô gan và mô cơ giảm hẳn; các triệu chứng nhiễm độc giảm đáng kể. Do đó có thể phòng chống bệnh nghề nghiệp nhiễm độc chì cho các công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với các sản phẩm chì như công nhân khai thác và chế biến chì, sản xuất accu chì, súc rửa bồn xăng có pha chì, bằng cách ăn tỏi hàng ngày. Với các trường hợp nhiễm độc kim loại nặng khác như thủy ngân, cadmium và các chế phẩm của chúng như methyl mircury, phenyl mercury. Tỏi có tác dụng ngang với các thuốc giải độc kim loại nặng thường dùng như BAL (Bristish Anti Lewisite) hoặc DMSA (2,3 dimercapto succinic acid).
- Tác dụng chống nhiễm độc chất phóng xạ: Tỏi làm tăng thải trừ các chất đồng vị phóng xạ và giảm sự tích đọng các chất đồng vị phóng xạ trong cơ thể.
- Tác dụng giải độc nicotin mạn tính: Tỏi là một loại thuốc giải độc nicotin mạn tính cho người nghiện thuốc lá và công nhân sản xuất thuốc lá rất hữu hiệu; chí ít cũng làm giảm cơn nguy cấp ở tim, động mạch và các rối loạn chức năng ruột của người bệnh.
Tác dụng bảo vệ gan: Trong các trường hợp nhiễm độc gan, sau khi uống chất chiết tỏi 6 giờ, lượng lipid peroxides cao và sự tích tụ triglycerides trong gan sẽ hạ xuống.
Tác dụng chống các bệnh đường hô hấp: Tỏi được dùng làm thuốc trị lao khí quản, hoại thư phổi. Ho gà. Thuốc long đàm cho người lao phổi. Trị viêm phế quản mãn tính. Viêm họng.
Các tác dụng khác
Chữa các bệnh răng miệng: Tỏi có tác dụng tốt chữa viêm khoang miệng, các bệnh viêm chân răng, biến chứng sau khi nhổ răng.
Chữa bệnh mắt: Nhũ tương tỏi có tác dụng giúp phát triển tế bào biểu mô giác mạc bị tổn thương. Chống xơ cứng động mạch mắt làm giảm nhãn áp.
Chữa bỏng và lở loét ngoài da: Thuốc mỡ tỏi đông khô có tác dụng chữa bỏng và lở loét trên da rất tốt. Có tác dụng diệt vi khuẩn mạnh. Kích thích phát triển tế bào hạt, tăng trưởng biểu mô, làm vết thương mau lành.
Chữa màng nhĩ thủng: Vỏ giấy củ tỏi (mỏng như giấy cuốn thuốc lá) dùng để vá màng nhĩ bị thủng rất hiệu quả.
Chữa phong thấp và đau thần kinh: Tỏi có hoạt tính kháng viêm khá mạnh so với các thuốc kháng viêm có nguồn gốc thực vật khác. Nó được dùng chữa đau thần kinh, phong thấp, đau khớp háng và hệ cơ, phần lưng dưới.
Làm cho trẻ bú sữa nhiều hơn: Cho mẹ dùng 1,5g chất chiết tỏi sẽ làm cho trẻ bú sữa nhiều hơn 140% so với trẻ khác.
Tác dụng của củ tỏi làm đẹp
Chống lão hóa
Tỏi có tác dụng tăng cường bài tiết hormone, tăng sức sống cho tế bào và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới giúp da đẹp hơn.
Cách dùng: Cho tỏi vào nước nấu đến khi đặc quánh rồi thêm chút mật ong. Mỗi ngày uống một thìa nhỏ dung dịch này, dùng trong thời gian dài có tác dụng chống lão hóa, hạn chế hình thành nếp nhăn.
Tỏi có nhiều công dụng làm đẹp mà ít người biết.
Giúp da trắng mịn
Chất alicine trong tỏi có tác dụng khử trùng, bảo vệ tế bào da, tăng cường sức đề kháng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp da trắng mịn.
Cách dùng: Cho 6 nhánh tỏi vào trong một chén mật ong, phơi trong bóng tối tránh ánh sáng mặt trời 2-3 tháng. Dùng hỗn hợp này đắp mặt nạ giúp da luôn sạch và trắng mịn.
Trị mụn
Nhiều người không thích tỏi vì mùi khó chịu nhưng đó chính là một thành phần có tác dụng trị mụn hiệu quả. Sở dĩ tỏi có khả năng trị mụn là nhờ chất sulphur hoạt tính có tính chất kháng sinh tự nhiên.
Để trị mụn, bạn có thể lựa chọn một trong những công thức thực hiện sau:
- Đơn giản nhất để chăm sóc da, làm giảm mụn là cắt đôi nhánh tỏi rồi thoa trực tiếp lên vùng da bị mụn. Chú ý không nên để tỏi sống trên da quá lâu vì thành phần hoạt chất sulphur có thể làm bỏng da. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả chăm sóc da của tỏi tươi, bạn có thể băm nhuyễn tỏi, thêm một chút nước để có hỗn hợp sền sệt để thoa lên vùng da bị mụn, xoa nhẹ nhàng trong khoảng 3 phút rồi rửa sạch.
- Trộn nước ép của hai nhánh tỏi với dấm rượu táo (liều lượng tương đương). Khuấy thật đều sau đó rửa mặt thật sạch. Dùng bông gòn thấm hỗn hợp này lên vùng da bị mụn trứng cá. Việc kết hợp giữa tỏi và dấm giống như một “liều thuốc kháng sinh” chống viêm nhiễm, chống sự xâm nhập của vi khuẩn gây nên mụn trứng cá trên da. Đặc biệt dấm rượu táo còn có tác dụng cân bằng độ pH cho da.
- Để "trị" những nốt mụn đầu đen, dùng: hai nhánh tỏi đập dập hoặc xay nhuyễn, một thìa bột yến mạch, một giọt tinh dầu trà xanh, 2-3 giọt nước cốt chanh, một thìa mật ong. Trộn đều thành phần này với nhau và đắp lên vùng da bị mụn đầu đen trong khoảng 2 phút rồi rửa sạch. Thực hiện mỗi ngày một lần, liên tục trong ba ngày.
- Ăn tỏi sống cũng có tác dụng trị mụn (nhưng có thể gây khó chịu cho dạ dày). Mỗi ngày, ăn 2-3 nhánh tỏi sống liên tục trong khoảng 3 tháng sẽ giúp làm thanh lọc máu. Quá trình thanh lọc này sẽ cải thiện mức độ oxy được vận chuyển đến da, kết quả là giúp làn da phòng và trị mụn tốt hơn.
Một mẹo nhỏ để giảm bớt mùi khó chịu khi ăn tỏi: đầu tiên, loại bỏ phần lõi xanh ở giữa nhánh tỏi - đó chính là trung tâm tạo ra mùi khó chịu của tỏi. Tiếp theo, ngâm nhánh tỏi vào sữa trong khoảng 30 phút, tỏi sẽ được loại bỏ mùi hiệu quả
Bảo vệ bộ móng
Những rắc rối thường gặp nhất với bộ móng là móng giòn, dễ gãy khiến bạn khó "làm điệu". Muốn nuôi dưỡng bộ móng chắc khỏe hơn hãy dùng tỏi tươi cắt qua lớp bề mặt, sau đó chà xát lên móng tay nhiều lần, móng sẽ khỏe và ít gãy hơn.
Mặt nạ dưỡng tóc từ tỏi
Rụng tóc, tóc thưa, mỏng và yếu sẽ làm mất đi vẻ quyến rũ của phái đẹp. Muốn chăm chút, bảo dưỡng mái tóc, bạn có thể “chế” ra công thức bảo dưỡng mái tóc từ tỏi như sau: Chuẩn bị một thìa tinh dầu vitamin A hoặc E, một thìa mật ong, một thìa tinh dầu thầu dầu, 1-2 nhánh tỏi, một lòng đỏ trứng gà và hai thìa tinh dầu ôliu. Trộn đều các thành phần này với nhau và thoa từ chân đến ngọn tóc, sau đó dùng khăn lớn cuốn quanh tóc. Để 30 phút đến 1 giờ rồi gội sạch. Thực hiện thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức sống của mái tóc.
Dùng tỏi trị bệnh thế nào cho đúng?
Tỏi có thể ăn tươi, ngâm dấm, đường hoặc pha trà. Tuy nhiên, trong môi trường axit, tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là tốt nhất.
Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, giải độc và sát trùng. Do đó, nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng do lạnh, phù thũng, tiêu chảy, bệnh lỵ, sốt rét, ho gà, mụn nhọt, đỉnh độc, viêm loét lâu liền, rụng tóc, nấm tóc, rắn cắn…
Tỏi tươi: là dạng dễ dùng nhất, có thể ăn sống hoặc dầm vào nước chấm. Tỏi sống giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Mỗi ngày nên ăn 2 tép tỏi, nhiều hơn hoặc ít hơn một chút đều được. Tuy nhiên, ăn nhiều quá không có lợi vì dạ dày sẽ dễ bị kích thích và chất axilin có trong tỏi có thể gây ra chứng tan máu. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10 g tỏi là vô hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kiếm được tỏi tươi và ăn tỏi tươi hay để lại mùi hôi, do đó người ta thường chế biến thành các dạng khác.
Tỏi ngâm: có thể ngâm dấm hoặc ngâm đường. Trong môi trường axit, tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là rất tốt. Cách chế biến: lấy 50 g tỏi tươi bóc vỏ rồi ngâm với 100 ml giấm gạo, sau chừng mươi ngày là dùng được, nếu để đủ 30 ngày thì càng tốt.
Tỏi ngâm đường: lấy 50 g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hòa 800 g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được. Tỏi ngâm đường có vị mặn ngọt, mùi thơm rất thú vị.
Rượu tỏi: Có nhiều cách chế rượu tỏi.
- Lấy 25 g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm với 100 ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25-30 ml.
- Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.
Trà tỏi: có thể chế biến theo 2 cách.
- Tỏi 15 g, sơn tra 30 g, thảo quyết minh 10 g. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với sơn tra và thảo quyết minh, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: hạ mỡ máu, chống béo phì, tiêu thực tích.
- Tỏi vỏ tím 10 g, kim ngân hoa 6 g, trà xanh 3 g, cam thảo 2 g. Tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với kim ngân hoa, trà xanh và cam thảo, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp.
Ứng dụng trong công nghiệp trong chăn nuôi
- Chất bảo vệ thép, nhôm với acid mạnh: Chất chiết tỏi bảo vệ thép, nhôm không bị ăn mòn khi tiếp xúc với acid mạnh (acid sulfuric 2N -acid nitric 0,5N - 85%).
- Giảm ô nhiễm môi trường: Trộn bột tỏi vào sáp ong làm nến khi đốt sẽ hấp thụ được khói thuốc lá, giảm ô nhiễm môi trường.
Tăng trọng và chữa bệnh đường ruột cho gà: Cho vào thức ăn nuôi gà 3% bột tỏi sẽ làm cho gà mau lớn và khỏi các bệnh đường ruột.
Cách chế tỏi tươi làm thuốc trong gia đình
- Tiêu chuẩn củ tỏi: Tươi, không mọc mầm lá hoặc mọc rễ, không bị dập nát, héo.
- Các bệnh có thể dùng tỏi tươi giã nát để ăn: Các loại ung thư. Các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, tăng lipid máu, vỡ xơ động mạch, huyết khối). Bệnh tiểu đường type II - Giải độc nicotin mạn tính chống nhiễm độc phóng xạ. Giải độc kim loại nặng. Phong thấp và đau dây thần kinh... là những bệnh phải dùng thuốc thường xuyên và lâu dài.
- Cách làm: Chọn tỏi tươi đúng tiêu chuẩn như trên, bóc sạch vỏ khô (mỗi lần dùng cho một người khoảng 3g - 5g tương ứng với một tép tỏi vừa hoặc 2 tép tỏi nhỏ). Giã nát sau 15 - 30 phút (có thể cho nước mắm pha loãng để chấm rau hoặc đậu phụ) dùng trong bữa ăn. Ngày ăn 3 lần như vậy.
Những điều cần lưu ý khi dùng tỏi tươi và chế phẩm tỏi
- Không ăn cả tép tỏi nguyên - Nuốt cả tép tỏi thì rất nguy hiểm.
- Không ăn tỏi lúc bụng đói (sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, ợ nóng có thể viêm thực quản).
- Không ăn quá nhiều tỏi thường xuyên (tối đa không quá 15g/ngày).
- Không dùng tỏi và chế phẩm có chứa tỏi đồng thời với Warfarin (thuốc chống đông máu) trước khi mổ.
- Không đắp tỏi lên da lâu quá 10 phút (có thể bị bỏng rát).
- Những người bị dị ứng với tỏi không được đắp tỏi lên da để chữa bệnh.
- Khi dùng tỏi để trị giun kim (uống và thụt hậu môn dịch tỏi) không được dùng quá liều có thể bị viêm ruột hoặc tiêu chảy.
- Muốn làm hết mùi tỏi có thể dùng nước chè (chè tươi hoặc chè búp xanh) đặc, súc miệng hoặc rửa tay rửa da chỗ đắp tỏi.
Món ăn bài thuốc từ củ tỏi
Bài 1: Tỏi 30 g, chim bồ câu 1 con. Chim bồ câu làm thịt, bỏ lông và nội tạng, rửa sạch cho vào bát cùng với tỏi đã bóc vỏ, cho đủ gia vị, chế thêm một chút rượu vang và nước trắng rồi đem hấp cách thủy, ăn nóng. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tủy sinh tinh.
Bài 2: Tỏi 50 g, thịt dê nạc 250 g. Thịt dê rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị, tỏi bóc vỏ đập giập. Cho dầu thực vật vào chảo đun cho nóng già, bỏ thịt dê vào xào chín tái, bỏ tỏi và các gia vị vừa đủ đun thêm một lát là được, ăn nóng. Công dụng: ôn thận tráng dương, bổ khí sinh tinh.
Bài 3: Tỏi 30 g, thịt yếm ba ba 250 g. Thịt yếm ba ba rửa sạch, cắt thành miếng bỏ vào đun sôi vài lần, vớt ra rồi đem rán qua, tỏi bóc bỏ vỏ, cho vào chảo rán qua cho có màu vàng non, tiếp đó cho thịt ba ba vào xào, chế thêm các gia vị như gừng, hành, muối, đường, một chút rượu và nước vừa đủ, dùng lửa nhỏ ninh trong 30 phút là được. Công dụng: tư âm bổ thận.
Bài 4: Tỏi 100 g, dạ dày lợn 1 cái, sa nhân 3 g. Dạ dày lợn rửa sạch, cho sa nhân và tỏi đã bóc vỏ vào trong, lấy chỉ khâu lại, cho vào nồi, chế thêm rượu, muối và nước lượng vừa đủ rồi hầm cho đến khi chín nhừ là được, cho thêm một chút mì chính, ăn nóng. Công dụng: bổ hư nhược, kiện tỳ vị.
(tổng hợp)
Comments[ 0 ]
Post a Comment