|
A Đức bên vợ của mình |
Nỗi bất hạnh cứ thế đổ ập xuống gia đình anh. 14 tuổi, bố anh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác sau một thời gian dài điều trị. 19 tuổi, sau một tai nạn lao động, đôi bàn chân của anh vĩnh viễn trở nên tàn phế. Ba năm sau, người em trai duy nhất của anh cũng đột ngột qua đời.
Những đớn đau cùng cực ấy khiến anh sụp đổ thế nhưng nó không ngăn được ý chí của anh. Khổ tận cam lai, 15 năm chiến đấu với số phận, 15 năm đứng vững trên đôi chân tật nguyền ấy, giờ đây hạnh phúc đang mỉm cười với anh như một sự bù đắp phần nào những mất mát mà anh phải gánh chịu.
Cuộc sống tuyệt vọngChúng tôi về xóm Yên Trung, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên vào một ngày đầu đông. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Đức, người dân Yên Phong ai cũng chia sẻ những câu chuyện về anh với một thái độ vừa trân trọng vừa cảm phục.
Họ cảm phục anh vì sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sự chân thành giản dị của anh. Họ mừng cho anh vì cuối cùng con người tốt bụng ấy cũng đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Trong căn nhà tuềnh toàng, anh Đức đang ngồi sắp xếp lại đống hàng hóa chuẩn bị cho một chuyến đi dài.
Bà Nguyễn Thị Thúy (mẹ anh Đức) ngậm ngùi chia sẻ: "Nhìn cảnh đứa con tật nguyền phải đi xa để bươn chải cuộc sống mà tôi như bất lực. Từ sau khi bố và em trai mất, mọi việc trong nhà đều đè nặng lên vai của nó (anh Đức – PV).
Năm 1994, chồng tôi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày quái ác. Nhà vốn đã nghèo, một thời gian dài ông ấy lâm bệnh, chi phí thuốc thang tốn kém nên không có điều kiện cho thằng Đức đi học nên đành cho nó nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm lấy tiền trả nợ cho gia đình”.
Lau vội giọt nước mắt, bà Thúy cho biết thêm: “Nhưng trời không thương mình. Năm 19 tuổi, trong lúc nó đi làm thuê cho người ta không may bị nếp nhà gỗ đổ trúng người. Lần đấy nó bị gãy nát xương cột sống, đứt tủy sống, tưởng không qua khỏi. Nhưng sau gần hai tháng chạy chữa thì giữ được mạng sống nhưng không giữ được đôi chân. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt gia đình tôi. Nợ trước chưa hết, nợ sau lại đến. Nhà còn có mỗi thằng Đức để nương tựa thì nay nó lại như thế”.
Nói về điều này, anh Đức bảo: “Ngày đó tôi suy sụp, tự ti về mình nhiều lắm. Nhưng biết mẹ cũng chẳng sung sướng gì, đã khổ nay lại càng khổ hơn khi tôi thành gánh nặng, vậy nên cũng không một lời kêu than. Cái số mình nó vậy, biết làm sao được. Mất đi đôi bàn chân, làm việc gì cũng phải nhờ cậy, gần như sống trong cảnh đặt đâu nằm đấy nhưng chẳng biết phải làm sao.
Nhưng tôi nghĩ, ở đời còn nhiều người khổ hơn mình, sao lại cứ ngồi than thân trách phận. Nghĩ vậy nên tôi quyết định xin vào lớp học mây tre đan và lớp học thêu tổ chức tại xã. Nhưng tôi học chưa được bao lâu thì hội này không mở nữa.
Không muốn chỉ ở nhà ăn bám, làm gánh nặng cho mẹ, tôi xin mẹ bán đi ít ruộng và gom góp tiền để mua một chiếc xe lăn. Tôi quyết định đi bán hàng rong. Lúc đầu tôi đi gần, rồi xa dần xa dần, có khi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Tiền bạc kiếm được chỉ đủ cơm cháo qua ngày.
Nhìn vô định về một phía, anh thở dài: “Mình tật nguyền nhưng dẫu sao vẫn còn trẻ khỏe, mẹ mình già rồi, sức khỏe không còn được như trước, mình đi thế này lúc trái gió trở trời chả biết nhờ cậy ai…”.
Và… hạnh phúc mỉm cườiCuộc sống tưởng như bế tắc, bất công nhưng ông trời không phụ lòng với nghị lực sống của chàng trai tật nguyền này. Hạnh phúc đến với anh như một điều kỳ diệu. Anh tìm được một nửa của cuộc đời mình. Với chàng trai tật nguyền này, đó là điều kỳ diệu nhất.
Không giấu được niềm hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Hằng (vợ anh Đức) cho biết: “Chính nghị lực sống của anh ngày đấy làm tôi cảm mến. Lần đó, trong một buổi diễn đàn dành cho người khuyết tật mọi người chia sẻ những tâm tư, những khó khăn phải vượt qua.
Nghe anh ấy tâm sự, tôi thấy mình như cảm nhận được nỗi đau của anh. Thế là cảm mến anh, nhưng ban đầu anh cũng ái ngại vì hoàn cảnh của anh sẽ làm tôi vất vả. Nhưng rồi vượt qua tất cả, chúng tôi nên duyên vợ chồng và sống với nhau đến giờ”.
Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng anh chị rong ruổi khắp chợ này chợ khác, hết Thái Nguyên, Tuyên Quang lại sang Hà Giang, Bắc Ninh… nhưng điều đó vẫn không làm họ chùn bước.
Nói về những dự định cho cuộc sống sau này, anh bảo: “Do không có điều kiện chữa trị liên tục nên vết thương đang dần một loét to. Trời lạnh, quần áo mặc nhiều, bó sát khiến vết thương đau nhức, di chuyển càng khó khăn. Nếu có chiếc xe ba bánh đi lại sẽ tiện hơn rất nhiều. Tôi bàn với mẹ vay vốn để mua sắm phương tiện đi lại cho thuận tiện hơn. Tôi định mua lại chiếc xe máy cũ rồi chế lại thành xe ba bánh để đi lại cho thuận tiện”.
Trong bữa cơm đạm bạc, anh cười vui vẻ: “Hoàn cảnh nó thế nhưng không thể vì vậy mà đầu hàng số phận. Công việc vất vả mệt nhọc nhưng tôi cảm thấy vui vì lúc nào bên cạnh tôi cũng có vợ bên cạnh động viên và cùng tôi cố gắng. Những người như tôi không cần điều gì lớn lao, có vợ và có mẹ là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng mình cũng không thể để vợ đi xa mãi như vậy, mẹ tôi cũng già rồi để mẹ ở nhà một mình cũng không yên tâm. Tôi tính đi làm một thời gian rồi gom góp ít tiền để dành rồi sau này mở cho mẹ một quán tạp hóa bán ở nhà”.
Chào tạm biệt anh và gia đình, chúng tôi ra về, nhưng điều đọng lại lớn nhất trong chúng tôi sau cuộc nói chuyện ấy chính là ánh mắt đầy nghị lực, đầy niềm tin của một chàng trai tật nguyền. Anh tự tin vượt lên nỗi đau, nỗi mất mát để nở một nụ cười hạnh phúc nhất. Số phận có thể cướp đi của anh đôi chân nhưng không thể cướp đi của anh những khát khao hoài bão.
(tổng hợp)
LIKE and Share nếu bài viết hữu ích:
:
>>>>CẢM ƠN BÀ CON VÀ CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC HẾT BÀI VIẾT,CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG GIAO LƯU VÀ CHIA SẺ CÙNG BÀ CON VÀ CÁC BẠN!!!!
Comments[ 0 ]
Post a Comment